Bắt đầu được trồng tại mảnh đất Sơn La từ những năm 1945, trải qua hơn 70 năm, cây cà phê đã trở thành cây kinh tế quan trọng, đưa Sơn La thành một trong những vùng trồng cà phê Arabica chủ lực của đất nước. Cây cà phê đã giúp bà con nơi đây, đặc biệt là đồng bào dân tộc Thái có một cuộc sống ấm no, đủ đầy và vươn lên làm giàu.
Trong những năm gần đây, tỉnh Sơn La đã và đang thực hiện các chính sách nhằm đảm bảo phát triển vùng nguyên liệu trồng cà phê bền vững. Bên cạnh đảm bảo quy hoạch vùng trồng, tỉnh Sơn La tập trung áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt và sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thiết lập chuỗi cung ứng chặt chẽ với các hợp tác xã, các doanh nghiệp thu mua, chế biến. Điều này giúp tạo nên một chu trình khép kín, đảm bảo sinh kế cho bà con nông dân, cũng như nâng cao giá trị thương hiệu cà phê Sơn La tại thị trường trong nước và quốc tế.
Cà phê Sơn La được sản xuất từ giống cà phê Arabica, được đánh giá cao về chất lượng, phát triển ở điều kiện khác biệt nên mang hương vị tự nhiên. Có mùi thơm như hoa quả, vị chua thanh xen lẫn với vị đắng nhẹ, cà phê Arabica của Sơn La hiện đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý và trở thành một trong các sản phẩm chủ lực của Chương trình Mỗi xã, phường 1 sản phẩm (OCOP) đem lại giá trị kinh tế cao, từng bước khẳng định vị trí vững chắc trên bản đồ cà phê thế giới.
Với mạng lưới gồm hơn 140 nữ nông dân tại vùng nguyên liệu trồng cà phê huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, IWCA Việt Nam đã và đang từng bước thực hiện các hoạt động nhằm nâng cao năng lực, phát triển kiến thức và kỹ năng cho những nữ nông dân, tiếp thêm động lực gắn bó với cây cà phê và đảm bảo sinh kế gia đình trong dài hạn.